Search

6 dấu hiệu cho thấy bạn đang quá stress

Post by

Bạn có thể không nhận ra mình đang căng thẳng quá mức, song cơ thể không biết nói dối, nó sẽ phát đi những tín hiệu 'cầu cứu'.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tật nghiến răng là do căng thẳng. Bạn có thể nghiến răng cả trong lúc ngủ lẫn khi thức mà không hề để tâm đến hành động của mình. Biểu hiện rõ nhất là bạn thấy mỏi, nhức hàm vào sáng hôm sau, thậm chí bề mặt răng có thể mòn hơn nếu kéo dài. Trường hợp này, bạn nên sử dụng dụng cụ bảo vệ răng miệng hoặc tham gia trị liệu.

Đổ mồ hôi xảy ra vì nhiều lý do: Tập thể dục, nhiệt độ cao hoặc khi bộ não của bạn nhận thấy một mối đe dọa. Tuy nhiên, nếu bạn đổ mồ hôi liên tục, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang lo lắng quá mức. Thông thường, khi gặp nguy hiểm, cơ thể sẽ sản sinh ra adrenaline, loại hormone này cũng kích thích bài tiết mồ hôi nhiều hơn.

Tóc rụng nhiều có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng tiềm ẩn. Áp lực về tinh thần quá lớn khiến nang tóc không phát triển, đây lại là bộ phận nhận chất dinh dưỡng để nuôi tóc. Kết quả là tóc rụng và ít mọc tóc con, có thể dẫn đến hói đầu.

Nếu bạn không bị dị ứng nhưng da vẫn mẩn đỏ, phát ban, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang khó kiểm soát cảm xúc cá nhân. Việc này thậm chí còn có thể khiến bạn bị nổi các nốt đỏ, nhọt trong miệng. Nguyên nhân đến từ việc cơ thể buộc phải tiết ra các hormone giúp bạn cân bằng sức khỏe tinh thần, dẫn đến phản ứng với các chức năng khác của cơ thể.

Căng thẳng quá mức có thể đưa ra những tín hiệu bất thường cho não và cơ mặt của bạn. Hậu quả là mắt bạn có thể bị giật, nhấp nháy không kiểm soát được. Trong một số trường hợp, hiện tượng co giật có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Nếu bạn thường xuyên khát ngay cả khi không ăn bất cứ thứ gì mặn, hãy chú ý đến sức khỏe tinh thần. Thời gian căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, khiến bạn luôn thấy khô miệng, khó nuốt.

(Theo Brightside)

Ăn trứng thế nào để tóc khoẻ

Post by

Trứng rất giàu selen, kẽm, đồng, sắt và các vitamin D, B…, tốt cho mái tóc và làn da.

Bác sĩ Phan Minh Đoàn, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết hàng loạt vitamin B từ trứng, đặc biệt là vitamin B7 giúp tóc chắc khỏe, dày, óng ả, ngăn ngừa và làm giảm tình trạng tóc gãy rụng.

Vitamin D trong trứng giúp hỗ trợ chức năng nang lông, duy trì sợi tóc chắc khỏe, điều hòa sự tăng trưởng của các tế bào keratin, là thành phần cấu trúc quan trọng của tóc. Nguồn kẽm dồi dào từ trứng là yếu tố vi lượng thiết yếu cho sự lành thương và làm dày mái tóc.

Theo bác sĩ Đoàn, trứng còn chứa các hoạt chất có lợi cho da gồm vitamin A, lutein, acid béo. Chúng giúp da trở nên mềm mịn, chống lại sự oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa da. Trứng là thực phẩm quan trọng cho trẻ đang giai đoạn tăng trưởng, các vận động viên thể thao hoặc những bệnh nhân đang hồi phục.

"Trứng rất tốt cho sức khỏe nhưng mỗi quả chứa đến 373 mg cholesterol, trong khi các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá 300 mg cholesterol một ngày", bác sĩ Đoàn phân tích. Nhiều nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trung bình mỗi ngày ăn một quả trứng hoặc ít hơn là hoàn toàn có lợi, hầu như không gây tác dụng phụ.

Các chuyên gia cho phép người đang ở chế độ cần thu nạp nhiều đạm như vận động viên thể thao ăn tối đa ba quả trứng một ngày. Cần cân nhắc việc ăn quá một quả trứng mỗi ngày trên các đối tượng bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch.

Chữa gàu da đầu

Post by

Gàu do các tế bào lớp sừng da đầu thay thế và bong nhiều bất thường, nguyên nhân là bệnh vảy nến, viêm da, nấm da, dầu gội không hợp…

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược, TP HCM, cho biết người bình thường, các tế bào lớp sừng của da đầu được thay thế và bong ra dần với số lượng ít, rời rạc trong khoảng một tháng. Ở một số người, chu kỳ thay thế tế bào sừng nhanh bất thường, làm cho các tế bào ở da đầu trưởng thành, bong tróc thành từng mảng lớn sớm hơn, trong vòng 2-7 ngày, gây nên gàu.

Nguyên nhân gây gàu có thể do sự tăng tiết nhờn cùng với sự hiện diện của nấm men malassezia furfur trên da đầu người có cơ địa mẫn cảm. Cơ địa tăng tiết mồ hôi, dị ứng với hóa chất với sản phẩm chăm sóc tóc, ăn thức ăn chứa nhiều đường và nấm men hay lối sống stress, căng thẳng cũng làm nặng hơn tình trạng gàu.

Ngoài ra, da đầu bị ngứa có thể do bệnh lý khiến đầu bị ngứa và tróc vảy như vảy nến, viêm da, nấm da đầu.

Biểu hiện bệnh vảy nến là mảng da dày, vảy to và dễ tróc. Viêm da tiếp xúc là các mảng da đỏ, phân giới rõ ràng, có thể có hoặc không có vảy da, đặc biệt nếu gần đây bạn thử một loại dầu gội hoặc thuốc bôi da mới.

Viêm da tiết bã khiến vảy mỏng mịn, rải rác và có màu trắng đục hơi ngả màu vàng bã, kích ứng da đỏ, nhiều mảng xơ phẳng hoặc teo lõm ở trung tâm, có các nang lông bị bịt kín bởi các nút sừng do lupus dạng đĩa.

Một số bệnh khác như nấm da đầu gây kích ứng và đỏ, dát đen do dày sừng hay ngứa da đầu theo mùa. Tình Gàu thường xảy ra khi da đầu khô, độ ẩm giảm, do sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp, thuốc uống, rối loạn chuyển hóa hoặc vệ sinh kém… Đôi khi đội mũ bảo hiểm, kẹp tóc, mũ thể thao… tiếp xúc gây bít tắt kéo dài.

Để điều trị gàu, bạn có thể sử dụng các liệu pháp từ thiên nhiên như trà xanh, cỏ xạ hương. Trà xanh tẩy tế bào chết cho da một cách tự nhiên mà không làm mất nước trên bề mặt.

Cách làm là lấy một cốc nước nóng và ngâm hai túi trà khoảng 20 phút hoặc để qua đêm. Sau khi nước nguội, xoa bóp vào da đầu. Cách khác là đun sôi một ít cỏ xạ hương với hai cốc nước trong 10 phút, để nguội rồi đổ một nửa lên tóc ẩm, xoa bóp, không rửa sạch. Sử dụng phần còn lại vào hôm sau.

Sử dụng kết hợp dầu gội có chứa selen sulfua, kẽm pyrithione, ciclopirox, ketoconazole, nhựa than đá. Duy trì cách này hai đến ba tuần cho đến khi hết gàu. Xoa dầu gội trên toàn bộ da đầu và tóc, giữ trong 5-10 phút trước khi xả sạch.

Sau khi hết gàu, nên dùng duy trì các dầu gội trị gàu trên hai đến ba lần một tuần. Hạn chế dùng quá nhiều hóa chất chăm sóc tóc, không đổi quá nhiều dầu gội. Tránh đội nón chật trong thời gian dài.

Duy trì chế độ ăn uống đủ đạm, vitamin và các yếu tố vi lượng, tránh để cơ thể stress, căng thẳng.

Trường hợp da đầu tiếp tục ngứa và tróc vảy, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra, chẩn đoán nguyên nhân.

10 cách chăm sóc tóc đơn giản tại nhà

Post by

Một mái tóc khỏe, bồng bềnh bóng mượt luôn là điều mơ ước của phái đẹp. Tuy nhiên, ngày nay, việc lạm dụng nhiều loại mỹ phẩm dành cho tóc cũng như sự thay đổi không tốt từ môi trường dễ làm cho tóc thường bị khô rối, chẻ ngọn, bóng nhờn hay bết dính dầu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức thu hút của khuôn mặt và cả ngoại hình tổng thể của bạn.

Vì vậy, chăm sóc tóc là việc bạn cần phải đầu tư cả về thời gian và công sức không khác gì dưỡng da, tẩy trang vùng da mặt.

Để khắc phục tình trạng này hãy cùng thay đổi một số thói quen hàng ngày giúp nhanh chóng lấy lại vẻ óng ả và suôn mượt cho mái tóc nhé.

Thường xuyên cắt tóc

Theo các nhà tạo mẫu tóc, việc cắt tỉa tóc, mỗi lần 1,5cm trong 6-8 tuần là một kế hoạch lý tưởng giúp tóc mọc dài nhanh. Bằng cách gắn bó với lịch trình này, bạn có thể ngăn ngừa chẻ ngọn tóc đi lên tới thân tóc, gây gãy vỡ cấu trúc tóc. Trong lúc chờ dài khoảng 12 tuần, mái tóc tỉa sẽ trở thành một kiểu đầu duyên dáng, đẹp mắt.

Không gội đầu thường xuyên và chải tóc nhẹ nhàng

Nhiều người nghĩ rằng khi tóc khô và xơ rối thì nên gội đầu nhiều lần trong tuần. Tuy nhiên đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi điều này khiến mái tóc bị mất nước và dễ bị khô xơ hơn. Gội đầu đều đặn và giữ khoảng cách hợp lý giữa các lần. Tốt nhất là cách 2 ngày gội 1 lần, trừ khi bạn phải làm việc hoặc hoạt động ngoài trời nhiều.

Dùng nước mát để gội đầu sẽ giúp khít các lỗ chân lông, nhưng không hề ảnh hưởng đến lớp biểu bì của tóc. Khi gội đầu, không cho trực tiếp dầu gội lên đầu mà bạn phải làm ướt tóc, cho dầu gội vào lòng bàn tay hòa với nước tạo bọt. Sau đó xoa đều dầu lên tóc, gãi nhẹ, mát xa một lúc rồi gội sạch lại bằng nước cho đến khi sạch hết bọt.

Lau khô tóc và chải tóc bằng các ngón tay trước hay bằng lược thưa, bởi khi mới gội đầu tóc bạn dễ bị rối nên nếu chải bằng loại lược răng dày thông thường sẽ làm rụng tóc. Đồng thời kết hợp với các thao tác xoa bóp mềm mại tránh làm tổn thương da đầu cũng như giảm độ bóng của tóc.

Hạn chế hơi nóng

Hơi nóng từ các loại máy sấy, máy uốn hay máy là tóc là một trong những nguyên nhân chính khiến tóc bị khô xơ và chẻ ngọn.

Vì thế, các bạn gái nên hạn chế sử dụng các loại máy này bằng cách để tóc khô tự nhiên sau khi gội đầu hoặc sử dụng các dụng cụ uốn tóc không cần nhiệt.

Lưu ý, khi sấy tóc, hãy chia tóc thành nhiều phần nhỏ và chải suôn bằng lược trước. Sau đó sấy từng phần đã được chia và nhớ giữ máy sấy cách tóc trên 5 cm, đừng để quá gần tóc. Vừa sấy vừa chải thẳng tóc sẽ hiệu quả hơn là sấy khô hoàn toàn rồi mới chải tóc. Cách này cũng giúp giữ cho nếp tóc được suôn thẳng mềm mại.

Ngoài ra thời tiết hè nắng nóng bạn cũng không nên để tóc tiếp xúc với ánh nắng, khi ra đường cần đội mũ che chắn để bảo vệ tóc.

Lựa chọn dầu gội phù hợp

Thay vì những loại dầu gội chứa nhiều thành phần hóa học, bạn nên lựa chọn loại chiết xuất từ tự nhiên và không gây kích ứng da đầu cũng như hư tổn cho tóc.

Nếu có thời gian, bạn nên sử dụng các loại dưỡng chất từ tự nhiên như bồ kết, vỏ bưởi, sả chanh…nấu thành nước gội đầu. Tóc bạn sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng chẻ ngọn, thay vào đó là mái tóc óng ả và chắc khỏe.

Mát xa da đầu thường xuyên

Việc mát xa thường xuyên cho tóc đem lại cho bạn nhiều ích lợi mà việc ngừa rụng tóc chỉ là một trong số đó mà thôi. Mỗi ngày dành ra từ 10 - 15 phút mát xa da đầu nhẹ nhàng. Việc này sẽ giúp tăng tuần hoàn máu trên da đầu, kích thích tóc phát triển. Hiệu quả việc mát xa da đầu sẽ được tăng thêm nhiều nếu bạn thoa lên da đầu một chút tinh dầu oải hương, hoặc tinh dầu quả hạch.

Điều trị dưỡng ẩm cho tóc

Điều trị dưỡng ẩm cho tóc ít nhất 1 lần/tháng là điều rất cần thiết. Có thể tự "chế" công thức bơ và kem dừa, tiếp theo là dầu gội, mặt nạ và giấm táo. Kết quả sau vài lần điều trị dưỡng sẽ đem đến một kết quả tốt: tóc chắc khỏe, bóng mượt và không còn chẻ ngọn. Cung cấp độ ẩm cho tóc chính là chìa khóa thành công để nuôi tóc dài.

Với những người có mái tóc đã qua làm xoăn, các chuyên gia khuyên nên thường xuyên hấp dầu cho tóc để tóc được tăng cường độ ẩm, dưỡng chất và trở nên bóng đẹp hơn, đồng thời hạn chế được hiện tượng tóc khô xơ, chẻ ngọn.

Mỗi tuần, bạn có thể hấp tóc nguội tại nhà một lần để hạn chế sự tác động của nhiệt độ cao gây hại cho tóc như khi hấp nóng.

Hãy chọn một loại dầu ủ tóc phù hợp và bôi nhẹ nhàng lên tóc sau khi đã gội sạch rồi quấn khăn ủ và chờ đợi trong khoảng 15-30 phút tùy theo từng loại dầu hấp cụ thể, bạn sẽ thấy mái tóc của mình trở nên mềm mượt và bóng khỏe hơn rất nhiều.

Chú ý đến chất liệu của gối

Đừng ngại bỏ tiền ra để mua một chiếc gối lụa hoặc bằng vải satin. Sự ma sát của mái tóc trước gối bông có thể dẫn đến gẫy vỡ cấu trúc tóc.

Không sử dụng khăn khô cứng để lau tóc

Tóc ướt dễ bị gãy rụng hơn tóc khô do vậy khi gội đầu xong bạn hãy chọn một chiếc khăn mềm để lau khô tóc, bạn cũng không nên sử dụng khăn chà xát quá mạnh hay vắt hoặc xoắn tóc lại, chỉ cần thấm nước một cách nhẹ nhàng.

Chú ý chế độ ăn uống

Một trong những nguyên nhân khiến tóc của bạn trở nên xấu xí là do mất cân bằng chế độ dinh dưỡng, khiến da đầu khó hấp thu các chất dinh dưỡng để nuôi tóc. Do đó, bạn nên bổ sung vitamin B các loại để làm ẩm và dày tóc bằng cách uống các sinh tố hoặc thức ăn giàu vitamin B như chuối, đậu xanh, sữa chua, trứng, ngũ cốc… và đặc biệt uống nhiều nước.

Vào mùa thu, tóc thường phát triển chậm hơn nhiều, nhưng nếu có chế độ ăn uống tốt, bạn vẫn có thể có được một mái tóc sống động trong suốt mùa thu.

Hạn chế tối đa lượng cafein bằng cách giảm trà, cà phê, chocolate hay các loại cola.

Sử dụng mặt nạ tự nhiên dành cho tóc

Sau khi cắt phần tóc chẻ ngọn bạn nên sử dụng những loại mặt nạ tự nhiên dành cho tóc. Một số loại mặt nạ giúp tóc phục hồi nhanh như mặt nạ bơ, bạn chỉ cần xay nhuyễn một quả bơ sau đó trộn chung hỗn hợp trên với trứng gà (dùng được cả lòng đỏ và trắng) và dầu olive.

Thoa đều hỗn hợp trên từ ngọn tóc đến chân tóc, quấn khăn hoặc dùng mũ chụp đầu để ủ tóc trong thời gian từ 20-30 phút. Lưu ý rằng bạn nên gội đầu với nước ấm trước để loại sạch hoàn toàn lớp mặt nạ dính trên tóc. Sau đó mới sử dụng dầu gội và xả lại bằng nước lạnh.

Bạn cũng có thể sử dụng mặt nạ đu đủ + sữa chua, mật ong hoặc xay nhuyễn chuối để ủ tóc. Những loại mặt nạ tự nhiên này rất dễ làm và hiệu quả, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về công dụng của chúng sau khi sử dụng 2-3 lần.

Karen Nguyễn chăm sóc tóc bài bản

Post by

Diễn viên Karen Nguyễn gội đầu cách ngày, mỗi lần gội đều áp dụng đủ bước gội - xả - ủ, hạn chế sấy tóc và chăm xịt dầu bưởi để ngăn rụng tóc, dưỡng tóc khỏe đẹp.

Karen Nguyễn

Karen Nguyễn cho biết trước đây cô nhuộm tóc, tạo kiểu nhiều nhưng bây giờ đã thấy hối hận, "rớt một cọng tóc buồn một phút". Nữ diễn viên hiện chăm sóc, nâng niu mái tóc rất kỹ lưỡng. Cô thường gội đầu cách ngày, không gội quá nhiều khiến da đầu mất đi lớp màng bảo vệ tự nhiên.

Mỗi lần gội đầu, Karen sẽ áp dụng 2 lượt gội, một lượt xả và một lượt ủ tóc. Nữ diễn viên cũng tẩy da chết cho da đầu một lần mỗi tuần. Trong quá trình gội, cô tuyệt đối không dùng móng tay cào hay chà xát quá mạnh, làm tổn thương da và dễ gãy rụng tóc. Cô chỉ sử dụng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng phần chân tóc, da đầu.

Gội đầu xong, Karen thường tránh sấy tóc, hạn chế để tóc tiếp xúc với nhiệt độ cao, chủ yếu để khô tự nhiên hoặc ngồi trước quạt cho tóc khô bớt. Khi tóc còn ẩm, cô thoa dầu dưỡng chứa tinh chất dầu argan vào phần đuôi tóc. Chờ tóc khô, cô xịt thêm một lớp tinh dầu bưởi lên da đầu và massage cho thấm. Diễn viên 9X còn dành vài phút trước khi ngủ để massage da đầu, có tác dụng xả stress, tăng tuần hoàn máu, nhờ đó kích thích tóc mọc khỏe, nhanh hơn.

Một số sản phẩm chăm sóc tóc Karen Nguyễn đang sử dụng. Từ trái qua phải: ủ tóc, tẩy da chết da đầu, xịt dưỡng tóc.

Karen Nguyễn tên thật là Nguyễn Kiều Diễm, sinh năm 1993, được biết đến nhiều khi góp mặt trong các sản phẩm âm nhạc của Hoa hậu Chuyển giới Hương Giang như: Anh đang ở đâu đấy anh, Anh ta bỏ em rồi... Bên cạnh khả năng diễn xuất khi đảm nhận vai phản diện, Kiều Diễm cũng nhận không ít lời khen ngợi về làn da, vóc dáng.

Back to Top